Công trình tượng đài đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những công trình văn hóa lịch sử, nằm tại xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh. Nơi đây là một trong những địa điểm thu hút đông đảo người dân và du khách khi ghé thăm Bắc Ninh. Tại đây thường là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí.

Tổng quan công trình

Giới thiệu

  • Tên công trình: Tượng đài  Và Phù Điêu Đá nói về Tiểu Sử của đồng chí Ngô Gia Tự
  • Thời gian hoàn thành: công trình được hoàn thành năm 2013
  • Chất liệu xây dựng: được chế tác từ đá xanh đen nguyên khối
  • Đơn vị thi công: Công Ty TNHH Đầu Tư Đá Mỹ Thuật An Khang
  • Ý nghĩa công trình: Tượng đài được xây dựng lên để bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn và tri ân công lao cùng những đóng góp to lớn của Đồng Chí Ngô Gia Tự đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tượng đài Ngô Gia Tự
Tượng đài Ngô Gia Tự

Ông Đỗ Đức Bình(ngoài cùng bên phải) giám đốc Công Ty Đá mỹ nghệ An Khang chụp ảnh lưu niệm cùng người thân nhà ông Ngô Gia Tự

Vật liệu và kỹ thuật sử dụng

  • Đá sử dụng: công trình tượng đài được xây dựng từ 100% đá xanh đen nguyên khối tự nhiên. Đây là loại đá chuyên được dùng cho các công trình tượng đài đá, nhà thờ, công trình lăng mộ thờ cúng tâm linh,..
  • Nguồn gốc đá: đá được khai thác từ mỏ núi đá thiên nhiên Thanh Hóa
  • Lý do sử dụng: Bởi đá xanh đen Thanh Hóa có tính thẩm mỹ và độ bền rất cao nên chúng là lựa chọn hàng đầu để sử dụng trong các công trình mang tính tôn nghiêm và cổ kính.
  • Về màu sắc: đá xanh đen Thanh Hóa có màu xanh xám đặc trưng, thể hiện được vẻ tôn nghiêm và trang trọng trong các công trình văn hóa, lịch sử cũng như tâm linh.
  • Về độ bền: các sản phẩm được làm từ đá xanh đen Thanh Hóa thường sẽ có độ bền vững cao theo thời gian và đặc biệt trải qua mưa nắng sẽ càng trở nên bóng bẩy, đẹp mắt hơn cả ban đầu.
  • Về nét tinh tế và độ mềm mại trong chạm khắc: bề mặt đá có thể dễ dàng được chạm khắc hoa văn, họa tiết khác nhau nhằm mang lại những giá trị thẩm mỹ khác nhau cho mỗi công trình. Đồng thời, các nghệ nhân cũng có thể dễ dàng tạo ra các chi tiết phức tạp trên bề mặt tượng đài mà không lo lắng đến chất lượng đá có thể bị vỡ hay nứt.
Đại biểu và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cắt băng khánh thành công viên và dâng hương tưởng niệm đồng chí Ngô Gia Tự, ngày 1/12/2013

Tiểu sử đồng chí Ngô Gia Tự

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 03/12/1908 tại thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình, quê hương có truyền thống yêu nước và hiếu học, với trái tim nồng cháy của tuổi thanh xuân, khát khao độc lập tự do, đồng chí Ngô Gia Tự đã tiếp thu ánh sáng cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam, cũng từ đó đồng chí đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng cứu nước và giải phóng dân tộc.

Một trong những người đầu tiên tổ chức và xây dựng Đảng ta

Ngô Gia Tự, người yêu nước, nhà cách mạng Việt Nam nắm bắt nhanh nhạy xu thế tư tưởng mà loài người đã và đang vươn tới, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng chí đã cùng với các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu… tổ chức Chi bộ Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở trong nước, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội). Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản này báo hiệu xu thế tư tưởng muốn vươn tới một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng Việt Nam.

Tinh thần đấu tranh kiên quyết và không khoan nhượng của Ngô Gia Tự tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, họp tại Hương Cảng, tháng 5 năm 1929, đã thể hiện bản lĩnh và linh khiếu chính trị nhạy bén của một nhà cách mạng chân chính. Tại Đại hội này, mặc dù không phải là trưởng đoàn, song những ý kiến phát biểu của Ngô Gia Tự đòi lập Đảng Cộng sản đã có tác dụng tâm lý đối với nhiều người. Quan điểm của Ngô Gia Tự là ở Việt Nam (lúc đó) chưa có đảng nào đại biểu cho giai cấp vô sản, cho nên phải lập một Đảng Cộng sản đại biểu cho giai cấp vô sản.

Trở về nước, Ngô Gia Tự lại cùng với những đồng chí trong Chi bộ Cộng sản đầu tiên ra sức vận động cho sự ra đời của Đảng Cộng sản. Sự cố gắng chung này, trong đó có phần đóng góp tích cực của Ngô Gia Tự, dẫn tới việc thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17/6/1929. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng có tác dụng động viên cách mạng Việt Nam tiến lên một bước mới và lôi cuốn sự ra đời của các tổ chức cộng sản khác ở Việt Nam, trước khi hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3/2/1930, đồng chí là một trong những người hăng hái đưa Đảng nhanh chóng thống nhất về mặt tổ chức. Đồng chí cùng với hai đại biểu của Quốc tế Cộng sản, hai đại biểu của Trung ương lâm thời (mới cử) họp chấp nhận yêu cầu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn hợp nhất vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Thay mặt cho những người dự hội nghị, đồng chí ký tên vào bản quyết nghị chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Góp phần xây dựng phong trào cách mạng và xây dựng Đảng

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời cử đồng chí Ngô Gia Tự vào Nam Kỳ để hoạt động. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Bí thư chấp ủy lâm thời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ. Đây là Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hoạt động ở Nam Kỳ, đồng chí ngày đêm lăn lộn với phong trào cách mạng của quần chúng. Xứ ủy Nam Kỳ do Ngô Gia Tự làm Bí thư, chọn Nhà máy Ba Son, đồn điền cao su Phú Riềng, xã Vĩnh Kim, thuộc tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) làm cơ sở phát triển cách mạng. Đồng chí thay mặt Xứ ủy đến công nhận chi bộ đầu tiên được thành lập ở xã Vĩnh Kim.

Dốc lòng huấn luyện, đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã để lại dấu ấn không thể nào phai, đó là cái chất của người cộng sản luôn luôn nghĩ đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam, bằng việc đào tạo cán bộ cho phong trào.

Trong những ngày hoạt động tại Hà Nội và Sài Gòn, đồng chí thường đi xuống huấn luyện ngắn ngày, mở những lớp giác ngộ lý luận cách mạng cho cán bộ, đảng viên và những quần chúng cảm tình của Đảng. Đồng chí đã tìm gặp Nguyễn Văn Cừ, huấn luyện chủ nghĩa Mác – Lê nin và giác ngộ chủ nghĩa cộng sản cho Nguyễn Văn Cừ. Được đồng chí Ngô Gia Tự đào tạo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ dần dần trở thành nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, nhà lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương với tác phẩm nổi tiếng “Tự chỉ trích”. Sau đó, Nguyễn Văn Cừ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuối năm 1930, trong lúc đang say mê hoạt động, Ngô Gia Tự bị địch bắt. Sau hơn hai năm giam cầm, ngày 2/5/1933, đồng chí bị thực dân Pháp đưa ra xét xử tại “Tòa Đại hình đặc biệt”. Sau đó, anh bị đày ra Côn Đảo, đồng chí tổ chức cho anh em học tập và trực tiếp giảng bài những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa cộng sản. Bài giảng của đồng chí dễ hiểu và thường có mối liên hệ đến tình hình thực tế, cho nên có sức thuyết phục đối với mọi người. Đồng chí thường xuyên và sẵn sàng tranh luận với bất cứ ai và vào bất cứ lúc nào về những vấn đề lý luận Mác – Lê nin và thực tiễn cách mạng Việt Nam, những vấn đề thuộc phương pháp cách mạng. Chính vì vậy mà đồng chí trở thành một trong những nhà lý luận xuất sắc của Đảng.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự là một tấm gương sáng chói về tinh thần ý chí cách mạng tiến công, ham học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết. Đồng chí luôn có tình thương yêu đồng chí, đồng bào, sống liêm khiết, giản dị, gương mẫu, gắn bó mật thiết, chan hòa với nhân dân. Đồng chí đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; tiêu biểu cho đạo đức và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Chi tiết tiểu sử tại:

https://tuyengiao.phuyen.gov.vn/tin-tuc-dia-phuong/dong-chi-ngo-gia-tu-nguoi-chien-sy-cong-san-loi-lac-147.html

Minh Miền

Tác giả Minh Miền

Trả lời

Quick Navigation
×

Cart