Tảo mộ là hoạt động diễn ra trong ngày Tết Thanh minh được truyền lại từ ngàn đời xưa mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn, cũng là thời gian thăm nom dọn dẹp lại phần mộ của tổ tiên. Nhưng để hiểu rõ ý nghĩa và các thủ tục tảo mộ trong Tết Thanh minh sao cho đúng thì không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý khách hiểu rõ nhất tục tảo mộ Tết Thanh minh và ý nghĩa của hoạt động này.
Tìm hiểu tục tảo mộ ngày Tết Thanh minh
Thanh minh là gì?
Thanh minh là ngày lễ mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn. Đây cũng là dịp để con, cháu thể hiện lòng thành kính với ông, bà, tổ tiên. Cụ thể đây là ngày con, cháu cùng sắp xếp công việc để thăm mộ tổ tiên. Con, cháu sẽ ra mộ quét dọn mộ sạch sẽ và cúng lễ với hi vọng tổ tiên sẽ phù hộ, giúp cuộc sống hưng thịnh, gặp nhiều may mắn. Ngày thanh minh bắt đầu từ ngày 4-5/4 (Thời điểm này là sau khi xuân phân kết thúc). Kết thúc lễ thanh minh là 20-21/4 (Thời điểm bắt đầu tiết cốc vũ).
Để hiểu rõ hơn về Tết Thanh minh, mời các bạn tham khảo bài viết: Tết Thanh Minh là gì? Tết thanh minh vào ngày nào trong năm?
Thủ tục tảo mộ trong tiết thanh minh
Thực hiện đúng thủ tục tảo mộ trong tiết thanh minh là gia đình cần sắm đồ cúng tại nhà và ở ngoài mộ.
Cúng ở nhà: Tại bàn thờ gia tiên ở nhà, gia đình cần chuẩn bị mâm cơm, vàng mã, trầu cau,..Trước khi ra ngoài mộ, con cháu sẽ tập hợp trước bàn thờ và thường là con trai trưởng trong dòng họ sẽ đọc bài khấn. Việc làm này có ý nghĩa con, cháu trình báo tổ tiên về việc chuẩn bị ra mộ để thăm viếng.
Cúng ngoài mộ: Ra mộ, ngoài việc chuẩn bị đồ cúng lễ, gia đình sẽ mang theo cuốc, xẻng để dọn dẹp, sửa sang lại mộ. Đầu tiên, gia đình sẽ lễ, trình báo thổ công trước rồi mới thăm mộ nhà mình. Những lễ vật gồm hoa, quả, tiền vàng, nếu có lễ mặn thì đặt riêng. Gia chủ thắp 3 nén nhang, đèn rồi đọc bài khấn. Đợi hương hết, gia đình mới ra thăm mộ nhà mình để khấn vái, sửa sang.
Đồ lễ ngoài mộ: Hoa, quả, hương, tiền vàng, rượu, nước sạch, trầu cau, quần áo hàng mã. Lễ mặn thì chuẩn bị gà, xôi, thịt,..
Trước khi bày lễ, khấn vái ở mộ gia tiên, gia đình sẽ tiến hành dọn dẹp, sửa sang mộ. Đối với mộ đã cải táng xây bền vững thì gia chủ chỉ cần dọn dẹp, vệ sinh. Đối với mộ phần xây đắp để bốc, gia chủ sẽ nhổ cỏ, những cây hoang mọc trên mộ cũng phải được dọn sạch. Làm vậy để đảm bảo mộ không có rắn, chuột làm tổ, đào hang gây ảnh hưởng đến vong linh người mất. Sau khi dọp dẹp mộ, gia chủ cùng các thành viên gia đình sẽ đặt lễ, đọc bài khấn. Chờ hương hết thì gia đình có thể lễ tạ, đốt vàng mã và hạ lễ mang về. Bài khấn cũng nên được hóa cùng vàng mã. Gia đình cũng nên thắp 1 nén hương cho những ngôi mộ xung quanh.
Ý nghĩa tảo mộ ngày thanh minh
Hằng năm cứ đến ngày thanh minh, con cháu các gia đình sẽ tập hợp để thăm mộ, cúng lễ, dọn dẹp. Việc làm này thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên vì cha ông đã có công sinh thành và dưỡng dục. Tảo mộ trong tiết thanh minh để con, cháu nhớ tưởng nhớ, báo đáp công ơn của người đi trước.
Theo quan niệm của cha, ông ta từ xa xưa, tảo mộ có nghĩa là cắt cỏ, đắp đất trên mộ. Công việc này diễn ra trong tiết thanh minh là hợp lý nhất. Vì đây là thời điểm thời tiết bắt đầu ấm, mưa nhiều nên cây cỏ mọc tươi tốt. Nếu không dọn sạch cỏ cây sẽ rất dễ làm mộ bị sụt, lở. Do đó, cha ông ta chọn thời điểm thanh minh để tiến hành dọn cỏ và đắp đất lên mộ.
Vào dip thanh minh, các gia đình không chỉ ra ngoài mộ để thăm mộ ông, bà, tổ tiên mà đây cũng là dịp để các gia đình dạo chơi, ngắm nhìn cây cỏ tốt tươi. Do đó, thời điểm này còn diễn ra hội đạp thanh.
Tảo mộ trong Tết Thanh minh cần lưu ý điều gì?
Để việc tảo mộ trong Tết Thanh minh diễn ra suôn sẻ, tránh làm những việc gây tổn hại đến bản thân cũng như mộ phần, gia chủ cũng cần lưu ý những điều sau.
Khi ra thăm mộ, gia chủ và các thành viên nên đi nhẹ nhàng. Khi dọn dẹp mộ phần, gia chủ cần chú ý không nên xới đất vụn, lộn xộn gây ảnh hưởng đến cảnh quan mộ.
Mộ phần cần được dọn sạch cỏ, cây hoang. Để tỏ lòng thành kính, con, cháu đắp thêm đất, đặt hoa tươi. Phía sau mộ cũng cần được quét dọn cẩn thận.
Gia đình nên đi vào những lối dễ đi, tránh đi vào khu vực hẻo lánh.
Nhà có phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt không nên đi ra mộ. Trong giai đoạn này, cơ thể phụ nữ yếu nên rất dễ bị cảm lạnh do âm khí ở ngoài mộ.
Khi tảo mộ, gia đình cũng nên để ý xung quanh. Trường hợp có nước quanh mộ thì nên có biện pháp khắc phục vì như vậy rất dễ ảnh hưởng đến vận mệnh của người đời sau.
Đi tảo mộ, gia đình chú ý có trẻ nhỏ không nên để trẻ nô đùa làm ảnh hưởng đến việc tảo mộ. Cần tránh không để trẻ nhỏ dẫm lên mộ người khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ người khác.
Sau khi đi tảo mộ về, gia đình cần chuẩn bị chậu lửa để bước qua hoặc tắm bằng nước lá bưởi. Làm vậy sẽ giúp âm khí ngoài mộ không đeo bám.
Tảo mộ trong Tết Thanh minh thực sự là việc làm ý nghĩa và không thể thiếu trong văn hóa nước Việt. Chia sẻ của chúng tôi đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về phong tục này. Chúc quý khách hàng cùng gia đình có 1 ngày tảo mộ thật ý nghĩa.