Bát hương là vật phẩm quan trọng trong việc thờ cúng theo phong tục truyền thống tâm linh của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng. Việc bốc bát hương là nghi thức không thể thiếu khi tiến hành về nhà mới, lập bàn thờ thần tài, hoặc làm mộ.v.v.
Bát hương được xem là cầu nối giao tiếp giữa người âm và người dương, thắp hương thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ, và cầu tài lộc may mắn đến cho bản thân, gia đình, dòng họ trong tình cảm lẫn công việc làm ăn. Mọi thứ được diễn ra thuận buồm xuôi gió 1 phần là nhờ sự tín ngưỡng trong tâm linh của người Việt được thể hiện bằng việc thắp hương.
Bốc bát hương có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh và không phải hình thức nào cũng áp dụng được với nhau. Chúng ta cần tìm hiểu về cách bốc bát hương cho mỗi mục đích khác nhau.
Tìm hiểu về việc bốc bát hương
Bốc bát hương là việc cá nhân và gia đình hoặc các nơi tâm linh tiến hành mua bát hương và bốc bằng tro hoặc chất liệu chuyên dụng để cho vào bên trong phần bát hương, sau đó tiến hành cúng bái và thắp nén hương đầu tiên. Bát hương được để cố định ở vị trí chuẩn phong thủy và sử dụng để thắp hương hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hoặc vào các ngày lễ Âm Lịch trong năm.
Việc bốc bát hương đem lại ý nghĩa gì?
Bốc bát hương đem lại ý nghĩa tâm linh quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Việc này vừa thể hiện sự thành kính và tôn thờ của các con cháu trong gia đình với tổ tiên và người đã khuất, với các chư vị Thần Linh, Thần Tài, Thổ Địa cai quản trong khu vực sinh sống, làm ăn của gia đình mỗi người. Bốc bát hương để thắp hương còn nhằm mục đích cầu khấn xin tài lộc và sức khỏe, cho mọi công việc thuận buồm xuôi gió.
Nghi thức này cần được chú trọng 1 cách tỉ mỉ, cẩn thận và chuẩn bị đầy đủ trước khi bốc để tránh những hậu quả hoặc những điều không mong muốn xảy ra trong quá trình hoàn thành và thờ cúng về sau.
Mẫu bát hương đá đẹp kích thước chuẩn phong thủy
Bốc bát hương cần chuẩn bị những gì?
Trong quá trình tiến hành bốc bát hương và hoàn thiện, các gia chủ và thành viên trong gia đình cần chuẩn bị nhiều vật phẩm để tiến hành bốc, cúng bái đầy đủ, tránh xảy ra sự thiếu, sai sót gây khó khăn trong quá trình làm việc này. Trước tiên chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm để bốc bát hương, sau đó cần chuẩn bị các lễ vật để tiến hành cúng.
Các vật phẩm để bốc bát hương
Để bốc bát hương, người đứng ra bốc, cá nhân hoặc các thành viên trong gia đình cần chuẩn bị những vật chính như sau:
- Bát hương: Bát hương để bốc là loại làm bằng sứ, đá hoặc đồng. Tùy theo điều kiện và mong muốn của gia chủ sao cho đúng phong thủy và hợp tuổi. Số lượng bát hương tùy thuộc vào từng hoàn cảnh sẽ có từ 1 tới 3 bát hương.
- Cốt bát hương: Cốt bát hương mà gia chủ cần chuẩn bị có thể là tro tiêu, hoặc cát trắng chuyên dụng mua tại các cơ sở vàng mã. Tro tiêu có thể làm từ tro của trấu hoặc tro rơm dễ cắm và tỉa chân hương trong quá trình thắp hương.
- Tờ hiệu: tờ hiệu này dùng để ghi tên người được thờ cúng.
- Bộ thất bảo để vào bên trong cốt bát hương: bao gồm vàng,bạc, ngọc, mã não, xà cừ, san hô đỏ, thạch anh.
Ngoài ra, gia chủ cần chuẩn bị các dụng cụ khác để làm sạch bát hương trước khi bốc bao gồm: nước quế (hoặc nước gừng tươi), rượu, khăn thấm, chậu rửa.v.v.
Cật phẩm để tiến hành cúng
Trong quá trình bốc bát hương, gia chủ cần sắm các lễ vật để tiến hành cúng bái các chư vị thần, gia tiên, người đã mất để xin phép lập bát nhang thờ cúng. Các lễ vật được chuẩn bị theo điều kiện của từng gia đình bao gồm như sau:
- Gà trống làm lễ luộc sẵn
- Xôi trắng
- Rượu trắng
- Trứng gà
- Trầu, cau
- Mâm ngũ quả
- 7-9 bông hoa tươi
- Chén nước
- Chén rượu
- Gạo, muối
- Chè uống nước
- Lễ tiền vàng, vàng hoa
- Bát ăn cơm
- Quần áo thần linh, gia tiên
Để tránh thiếu xót, gia chủ nên ghi trước ra giấy và chuẩn bị đầy đủ trước khi tiến hành vào công đoạn cúng và bốc bát hương. Điều này sẽ làm cho quá trình bốc bát hương được suôn sẻ và không xảy ra sai xót.
Hướng dẫn cách bốc bát hương
Vệ sinh bát hương trước khi bốc
Trước khi tiến hành bốc bát nhang, gia chủ nên tự tay tẩy uế và rửa sạch bát hương. Việc làm này mang lại sự tâm linh rất lớn, tẩy đi những âm khí bẩn bụi và đem lại vận khí mới, tốt cho quá trình bốc và thờ cúng về sau này của gia đình.
Chúng ta hãy rửa sạch bát hương bằng nước, sau đó dùng khăn thấm nước quế hoặc nước gừng tươi, để lau toàn bộ phần bên trong và bên ngoài của bát hương. Tiếp theo, hãy dùng 1 ít rượu trắng để lau lại và thấm sạch bằng khăn khô.
Thủ tục bốc bát hương về nhà mới
Để bốc bát hương về nhà mới, gia chủ nên chuẩn bị 3 bát hương. Các bước để tiến hành bao gồm:
- Bước 1: Vệ sinh 3 bát hương (tẩy uế) sạch sẽ và để khô ráo trước khi sử dụng.
- Bước 2: Viết dị hiệu. Dị hiệu trong việc bốc bát hương về nhà mới thường viết tên của dòng họ, gia tiên, tên Thần Linh, tên của người đã mất được thờ cúng.
- Bước 3: Gói cốt thất bảo và đặt vào bên trong bát hương.
- Bước 4: Đổ tro vào bát hương sao cho gần tới ngang mặt trên của bát hương. Trong quá trình đổ tro nên đọc và khấn xin bốc, đồng thời cầu sở nguyện cho gia đình và người thân.
- Bước 5: Tiến hành dâng bát hương lên bàn thờ gia tiên, sau đó dâng lễ vật cúng đã chuẩn bị từ trước và tiến hành đọc văn khấn bốc bát hương. Lưu ý trong quá trình đặt bát hương phải đặt đúng chiều, chính giữa và không được xê dịch về sau.
Bốc bát hương thờ thần tài
Để bốc bát hương thần tài, gia chủ nên chuẩn bị 1 bát hương ngoài các vật phẩm khác đầy đủ cho 1 bàn thờ thần tài. Các bước để tiến hành bao gồm:
- Bước 1: Vệ sinh bát hương giống như thủ tục bốc bát hương về nhà mới.
- Bước 2: Viết dị hiệu. Ở đây, viết dị hiệu là tên của Thần Linh, Thần Tài. Nội dung viết thường sẽ là ” Thần Tài Thổ Địa – Chư Vị Thần Linh”.
- Bước 3: Gói cốt thất bảo vào tờ dị hiệu đã viết và đặt vào bên trong bát hương.
- Bước 4: Đổ tro cốt vào bên trong bát hương có chứa cốt bảo và tờ dị hiệu. Thường sẽ cho thêm ngũ vị hương và gạo vàng Thần Tài lên bên trên mặt tro của bát hương.
- Bước 5: Tiến hành dâng bát hương lên bàn thờ thần tài và thắp trầm.
Khi bốc bát hương gia chủ cần chú ý điều gì?
Trong quá trình cúng và bốc bát hương, gia chủ nên đặc biệt chú ý nhưng điều sau để cho quá trình bốc được diễn ra suôn sẻ và không gặp những điều khó khăn về sau:
- Trước khi bốc bát hương gia chủ nên tiến hành tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề.
- Trong quá trình bốc nên rửa tay bằng rượu trắng để đảm bảo sạch sẽ và tẩy uế.
- Khu vực bàn thờ gia tiên, bàn thờ thần tài phải được lau dọn sạch sẽ trước khi dâng vật phẩm cúng và đặt bát hương.
- Các vật phẩm được chuẩn bị kỹ trước khi cúng. Cần chuẩn bị thêm văn khấn bốc bát hương để tránh bị quên trong quá trình cúng.
- Sau khi bốc bát hương, nếu gia chủ cần di chuyển vị trí của các vật phẩm trên bàn thờ cần thắp hương xin thần linh và gia tiên trước khi tiến hành di rời chúng.
- Trong quá trình thắp hương, nếu chân nhang đã đầy, gia chủ cần tỉa bớt, chỉ giữ lại 3 chân hoặc 5 chân, sau đó tiến hành hóa chân nhang hoặc thả trôi sông, tuyệt đối không được vứt đi.
- Trong khi tiến hành thắp hương, chỉ thắp hương số lẻ: 1 cây, 3 cây, 5 cây, 7 cây hoặc 9 cây, không thắp hương theo số chẵn. Trong tâm linh số lẻ mang lại sự may mắn, bình an và tài lộc cho mỗi thành viên trong gia đình.
Trên đây là những thủ tục khi tiến hành bốc bát hương và một số lưu ý đặc biệt cho gia chủ mã đá mỹ nghệ An Khang đã tổng hợp lại. Mỗi chúng ta hãy thực hiện đúng để thể hiện lòng thành kính và sự tâm huyết của mình với việc tưởng nhớ cội nguồn, gia tiên và cầu xin các vị chu thần để giúp cho công việc làm ăn, tình cảm được trọn vẹn, gặp nhiều may mắn.